Đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục tiêu
Thảo luận tại phiên họp sáng 16/9, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đều cơ bản nhất trí với việc ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và cụ thể hóa Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, các thành viên cũng đóng góp một số ý kiến về các biện pháp và cách triển khai hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến về việc DN không có thuế phải nộp thì thụ hưởng chính sách ra sao? Nhiều DN khó khăn về dòng tiền nhưng chưa thấy đề xuất về gói hỗ trợ lãi suất. "Lợi nhuận của các ngân hàng rất cao, vậy làm sao hài hòa lợi ích của DN và ngân hàng. Ngân hàng thì lãi tăng, DN thì khó khăn, vậy khả năng giảm lãi suất cho DN có khả thi hay không?", ông Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề.
Đồng tình cao với các nội dung được Chính phủ tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh nguyên tắc là phải hỗ trợ kịp thời, thiết thực, hiệu quả cho DN, người dân nhưng cũng phải thận trọng, hợp lý để đảm bảo nguồn thu trong lúc ngân sách nhà nước đang khó khăn, nhu cầu chi cho chống dịch lại lớn. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị rà soát thận trọng, kỹ lưỡng để đảm bảo chính sách đúng mục tiêu, là hỗ trợ đối tượng khó khăn, không hỗ trợ đại trà.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý hỗ trợ các lĩnh vực bị tác động bởi đại dịch mới thuộc phạm vi Nghị quyết 30 và thuộc thẩm quyền của UBTVQH. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc hỗ trợ giảm thuế GTGT là thuế gián thu nên phải đảm bảo đúng mục tiêu là kích thích tiêu dùng và yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm trong công tác quản lý thuế để bảo đảm người tiêu dùng được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế GTGT. Một vấn đề cũng Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh là việc xem xét gói hỗ trợ lãi suất cho DN.
Tổng mức hỗ trợ năm 2021 là khoảng 140.000 tỷ đồng
Những nội dung này sau đó đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp thu và giải trình cụ thể tại phiên họp. Theo Bộ trưởng, các chính sách khi thiết kế đã được tham khảo, lấy ý kiến nhiều cơ quan liên quan và các Ủy ban của Quốc hội. Số thuế hỗ trợ theo chính sách này, trong điều kiện thông thường thì chỉ bằng TP.Hồ Chí Minh thu 20 ngày.
Tuy nhiên vào lúc khó khăn này, đây chính là "một miếng khi đói bằng một gói khi no" để hỗ trợ DN. Việc thiết kế chính sách cũng phải dựa trên mức bình quân tương đối, chứ không thể đạt công bằng 100%. Ngoài ra, đối với những DN không có thuế phải nộp, thì chính sách hỗ trợ được hưởng là không bị tính tiền phạt đối với các khoản chậm nộp trước đó. Cùng với gói hỗ trợ này, tổng mức hỗ trợ về tài khóa cho người dân, DN trong năm 2021 đã lên đến 140.000 tỷ đồng.
Đối với những ý kiến về việc bổ sung thêm các gói, chương trình hỗ trợ DN, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chia sẻ hiện nay ngân sách nhà nước rất khó khăn, ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào, hàng chục ngàn chiến sĩ công an, quân đội đang tham gia chống dịch ở phía Nam, nhưng không có ngân sách để cấp. Ngân sách dự phòng thì đã hết.
"Hiện phần tiết kiệm chi và một số khoản khác còn lại khoảng 14,620 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính đang trình Chính phủ để trình UBTVQH cho ý kiến mới có thể chi tiếp tục. Trong bối cảnh giãn cách xã hội ở 23 tỉnh thành, DN đang cực kỳ khó khăn, số thu thuế hiện giảm gần 50% và tới đây còn giảm nữa", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Về một số nội dung cụ thể như gói hỗ trợ lãi suất, Bộ Tài chính đã bàn với Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, từ kinh nghiệm triển khai gói kích cầu 2009 không hiệu quả, khó quản lý, NHNN đã đề nghị không triển khai. Hiện NHNN cũng đang có chương trình giảm lãi suất cho vay với DN, với cam kết của các ngân hàng khoảng hơn 24 nghìn tỷ đồng.
Tăng cường công tác quản lý thuế
Liên quan đến việc quản lý thuế GTGT, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay sẽ chỉ đạo cơ quan thuế tăng cường quản lý, chống thất thoát, có biện pháp để đảm bảo đối tượng thụ hưởng chính sách là người tiêu dùng hàng hóa.
Một vấn đề được quan tâm tại phiên thảo luận là hỗ trợ đúng đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chính phủ đã tiếp thu đưa lĩnh vực hoạt động xuất bản phần mềm, kinh doanh trên nền tảng số ra khỏi lĩnh vực được giảm thuế và sẽ tiếp tục rà soát đối với một số lĩnh vực như vật tư y tế… Giải pháp để đảm bảo triển khai hỗ trợ kịp thời nhưng đúng đối tượng là thực hiện là kê khai trước, kiểm tra sau.
Nhấn mạnh về tính cấp thiết của việc triển khai sớm các giải pháp hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết các DN trên cả nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù có 8 tỉnh không có dịch nhưng cũng bị ảnh hưởng đáng kể về nguồn cung ứng hàng hóa, về thị trường, lao động…
Sau khi nghe các báo cáo và thảo luận, UBTVQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với tỷ lệ tán thành 100%. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo các ý kiến đã được nêu tại phiên họp để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước thời điểm 1/10/2021./.